Đế chế Samsung và câu chuyện hóa rồng như cổ tích

Từ rất lâu hãng điện tử Samsung đã có nhiều loại sản phẩm khác nhau len lỏi khắp thế giới, nhưng chỉ tới khi phát triển và kinh doanh điện thoại Samsung mới thực sự lớn mạnh lên nhanh chóng thành một đế chế đứng nhất nhì trong giới công nghệ toàn cầu.

Không phải chỉ với loạt sản phẩm điện thoại tên tuổi và quy mô của Samsung mới lớn mạnh, trên thực tế người ta biết đến thương hiệu điện thoại Samsung nhiều cũng bởi chiến lược quảng bá hình ảnh của hãng này cực kỳ tốt, được đầu tư rất khủng không chỉ về tiền bạc mà còn là ý tưởng kết hợp chặt chẽ với đường lối kinh doanh hỗ trợ qua lại rất nhiều cho nhau và kéo dài hàng năm trời, nhưng để làm được điều đó cần phải có một căn cơ vững chắc từ trước bao gồm công nghệ, nguồn vốn dồi dào và con đường đi đúng đắn, ba điều này đã được tích lũy rất lâu trước đó qua việc kinh doanh các mặt hàng điện tử mà dân Việt Nam không khó khăn gì để nhận thấy suốt nhiều năm qua.

Hình ảnh logo của Samsung đã trở nên quá quen thuộc với thế giới.

Thương hiệu Samsung đã hiện hữu tại Việt Nam từ rất rất lâu rồi

Ngược về hơn 20 năm về trước, khi tôi còn là một cậu bé, nhãn hiệu Samsung đã xuất hiện tại Việt Nam từ bao giờ, theo ký ức thì lần đầu tiên tôi thấy dòng chữ Samsung là trên một cái đầu máy chiếu phim băng từ, thời đó tivi của Nhật vẫn rất thông dụng chứ chưa có nhiều đất diễn cho Samsung. Trải dài thời gian suốt từ đó cho đến nay, thương hiệu Samsung vẫn xuất hiện đây đó ngày một nhiều tại Việt Nam, đa phần vẫn là đồ điện tử như tivi, đầu đĩa và sau đó những chiếc điện thoại Samsung đầu tiên xuất hiện.

Ai cũng rõ hãng Samsung là của Hàn Quốc, đất nước này có một hệ tư tưởng riêng mang nhiều tính tự tôn dân tộc và quyết tâm cao, đồng thời cũng thân thiết với Hoa Kỳ, vì lẽ này mà các sản phẩm công nghệ tiên tiến của họ xuất hiện khá sớm và nếu nói chúng đã được sử dụng tại Việt Nam từ trước khi chúng ta thống nhất đất nước cũng rất có khả năng, nói cách khác thì thương hiệu Samsung đã hình thành và phát triển từ rất lâu, lịch sử cũng không phải ngắn, điện thoại Samsung cũng chỉ là đứa con mới sinh của hãng vào khoảng đầu thế kỷ 21 mà thôi.

Sự khởi đầu của hãng Samsung với nhiều quyết tâm và công sức

Như đã nói qua ở phần trên, người Hàn Quốc có hệ tư tưởng gần giống với Nhật là có quyết tâm cao và sự phấn đấu ghê gớm, trong khi nước ta khắc phục hậu quả sau chiến tranh bằng những quyết sách như xóa đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục cơ bản,...thì lúc này tại Hàn Quốc dần xuất hiện các hãng chế tạo đồ công nghệ cao mà nổi bật là hàng điện tử với các sản phẩm bấy lâu nay người Việt vẫn biết đến như đầu máy, đầu đĩa, máy nghe nhạc, thiết bị lưu trữ, tivi, màn hình,...trong đó Samsung và LG là hai hãng hàng đầu, ngoài ra còn phát triển mạnh nền công nghiệp nặng như chế tạo xe hơi, xe tải, xe khách,...Tất cả điều ấy không chỉ bởi Hàn Quốc được hỗ trợ mạnh từ Mỹ mà còn vì lòng tự tôn dân tộc và quyết tâm rất cao của họ, tên tuổi của hãng điện tử Samsung được biết đến rộng rãi như ngày nay tại Việt Nam và nhiều nước khác cũng bởi những điều kể trên.

Nếu thực sự muốn hiểu rõ hơn về quyết tâm, sự nỗ lực, những điểm hơn người, dám nghĩ dám làm và lượng công sức khủng khiếp mà hãng Samsung đã đổ ra để có được thành công và vị thế tối cường như ngày nay trong giới công nghệ, hãy cùng nhìn lại lịch sử phát triển của hãng Samsung với những bước ngoặt cực kỳ ấn tượng mà tôi đã sưu tầm được từ nhiều nguồn như GenK và Tri thức trẻ như sau:

Chủ tịch Samsung với câu chuyện 8500 trang, 2000 hạt giống và 200 triệu USD

Hiện tại Samsung là 1 trong những tập đoàn tư nhân lớn và lâu đời nhất Hàn Quốc, tổng giá trị sản phẩm xuất khẩu của Samsung chiếm 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc và đóng góp khoảng 17% GDP cho Nam Hàn, nổi tiếng với 3 ngành kinh doanh chính là Điện máy, Hóa chất và Xây Dựng. Ảnh hưởng của Samsung ở xã hội Hàn Quốc lớn tới mức tập đoàn này gần như trở thành 1 quyền lực thứ 2 bên cạnh chính phủ. Năm 2008 khi chủ tịch Lee Kun Hee của Samsung bị cáo buộc gian lận thuế và bị tuyên án 3 năm tù giam cho hưởng án treo, chính tổng thống Hàn Quốc Lee Muyng Bak lúc bấy giờ đã đặt cược sinh mạng chính trị của mình khi ra lệnh ân xá cho ông này gây nên 1 làn sóng phản đối khá ầm ĩ trong xã hội nước này.

Thành lập năm 1938 với khởi nguồn là 1 công ty thương mại chuyên kinh doanh bột gạo và len... cái tên Samsung có phiên âm Hán Việt là "Tam Tinh" có nghĩa là "Ba ngôi sao". Đến những năm thập niên 60, Samsung mới bước vào ngành hàng điện tử. Đến mãi tận đầu những năm 90, các sản phẩm của Samsung hầu như chỉ có ý nghĩa tiêu dùng trong nước vì khi xuất khẩu ra những thị trường khó tính hơn như Châu Âu, Mỹ, sản phẩm của Samsung thường "lép vế" vì chất lượng thấp dù giá thành rẻ mạt. Cũng giống như các sản phẩm Made in China bây giờ, Made by Samsung sử dụng lợi thế nhân công giá rẻ của Hàn Quốc sau chiến tranh Nam-Bắc Hàn để sản xuất hàng loạt trong khi chất lượng sản phẩm thì phần nào bị "thả nổi".

Năm 1987, chủ tịch sáng lập Samsung qua đời, 2 tuần sau đó Lee Kun Hee, con trai thứ 3 của ông này tiếp quản đế chế Samsung. Đứng trước 1 Samsung đang khá trì trệ của những năm 80, Lee Kun Hee quyết định bắt đầu chiến dịch thay đổi cách làm việc của Samsung bằng cách... không đến công ty. Làm việc tại nhà ở ngoại ô Seoul, nhất định không nghe điện thoại và tiếp khách, Lee Kun Hee muốn buộc các quản lý cấp dưới của mình phải tự ra quyết định và chịu trách nhiệm trước các quyết định đó. Dưới sự lãnh đạo của Lee Kun Hee, giá trị vốn hóa của Samsung tăng gấp 2,5 lần sau 6 năm từ 1988-1993. Ai cũng nghĩ mọi chuyện thế là đâu vào đấy và Lee đã hài lòng.



Hình ảnh chủ tịch Lee Kun Hee của Samsung, người đã đưa ra những quyết định giúp Samsung tiến lên thành một đế chế hùng mạnh trong giới công nghệ như ngày nay.

Năm 1993, Lee Kun Hee mang theo bộ sậu lãnh đạo cao cấp của Samsung đi tới Mỹ và các nước châu Âu để "mở mắt" cho cấp dưới của mình về sức cạnh tranh yếu kém của các sản phẩm Samsung trên thị trường quốc tế.

Lee cho rằng chứng kiến sự èo uột của Samsung tại thị trường nước ngoài sẽ thức tỉnh đội ngũ lãnh đạo của mình. Tới đâu đoàn thăm quan cũng gặp cảnh sản phẩm của Sony, Panasonic hãnh diện trưng lên tủ kính còn đồ của Samsung thì bị dúi vào chỗ hứng bụi ở góc khuất của cửa hàng.

Lúc ấy Lee mới hỏi bộ sậu xung quanh: "Tôi muốn năm 2000 Samsung trở thành 1 công ty tầm cỡ quốc tế, với tốc độ tăng trưởng như thế này, liệu chúng ta có thể đạt tới vị trí đó vào năm 2000 hay không? Câu trả lời : Không".

Đối diện với sự giận dữ của chủ tịch tập đoàn, những lãnh đạo cấp cao của Samsung không biết làm gì ngoài gãi đầu gãi tai, đối với tư duy của những người đã quen tâm lý thỏa mãn, tăng trưởng 2,5 lần trong vòng 6 năm đã là 1 con số trong mơ.

Đến tháng 6/1993, khi đoàn thị sát tới Frankfurt, Đức. Lee Kun Hee nhận được bản báo cáo từ 1 cố vấn người Nhật tại Trung Tâm Thiết Kế Samsung. Bản báo cáo phơi bày những thực tại đáng buồn như việc cả 1 văn phòng với mấy trăm con người hoạt động hết sức uể oải.

Thậm chí cả một dây chuyền kiểm tra sản phẩm rất đắt tiền nằm phủ bụi mất mấy tuần chỉ vì hỏng... ổ cắm điện mà cũng không ai thèm đụng tay.

Phẫn nộ với sự thờ ơ của các nhân viên dưới quyền, Lee triệu tập 1 cuộc họp khẩn cấp với hàng trăm lãnh đạo cao cấp của Samsung tại ngay Frankfurt. Cuộc họp kéo dài... 3 ngày về sau này được nhắc tới với cái tên "Tuyên ngôn Frankfurt 1993". Một trong những câu nói trở thành bất hủ của Lee trong "Tuyên ngôn Frankfurt" là: "Các anh hãy thay đổi tất cả trừ vợ và con". Thúc giục nhân viên dưới quyền tự "dịch kinh tẩy tủy", "Nếu đến 1994 Samsung không thể sản xuất được những chiếc điện thoại đủ sức cạnh tranh với đồ của Motorola thì Samsung sẽ tự đặt mình ra ngoài ngành công nghiệp điện thoại".

Nội dung của "Tuyên ngôn Frankfurt" được cô đọng lại thành "Chính sách quản lý mới" của Samsung và trình bày thành 1 cuốn sách 200 trang, phát đến tận tay cho từng công nhân. 1 quyển phụ lục riêng để giải nghĩa các khái niệm trong "Chính sách quản lý mới" được phát hành sau đó. Thậm chí những công nhận đọc viết không thông thạo còn được nhận 1 phiên bản vẽ theo phong cách... truyện tranh nhằm diễn giải dễ hiểu các gạch đầu dòng quan trọng của chính sách mới.

Kể từ đó, "Chính sách quản lý mới" được coi như thánh kinh của Samsung, thậm chí cả căn phòng khách sạn nơi diễn ra cuộc họp năm 1993 cũng được Lee cho "bốc" về tổng hành dinh của Samsung ở Hàn Quốc và tái tạo nguyên bản để làm nơi "thờ phụng", tồn tại như 1 vật chứng nhắc nhở nhân viên Samsung không bao giờ tự thỏa mãn và luôn khát khao hướng đến chất lượng sản phẩm để chinh phục thị trường quốc tế.

Không chỉ dừng ở đó, sau "Tuyên ngôn Frankfurt", Lee dành 2 tháng tiếp theo đi khắp các chi nhánh của Samsung trên thế giới, từ London đến Osaka để trực tiếp truyền đạt khát vọng thay đổi của mình đến từng lãnh đạo dưới quyền. 350 giờ thuyết giảng của Lee trong 2 tháng ấy sau khi được ghi chép lại chiếm hết 8500 trang giấy.

Trong những năm sau "Tuyên ngôn Frankfurt", Samsung trở thành 1 trường đại học khổng lồ. "Trường dạy CEO Samsung" ra đời tháng 9/1993, 3 tháng sau "Tuyên ngôn Frankfurt" đón 850 học viên là tất cả số quản lý cấp cao của Samsung tại thời điểm đó đến đào tạo trong 6 tháng, 3 tháng tại chỗ và 3 tháng ở nước ngoài. Khi các học viên thực tập ở nước ngoài Lee cấm họ không được di chuyển bằng máy bay mà phải sử dụng các phương tiện đường bộ như ô tô, tàu, bus để cảm nhận rõ ràng hơn văn hóa nước sở tại.

Trong 5 năm từ 1994 đến 1999 mỗi năm Samsung chọn ra 400 người trẻ tuổi có ít nhất 3 năm kinh nghiệm, nhét vào tay họ 1 nắm tiền và tung đội ngũ này ra nước ngoài trong 1 năm, mặc cho họ đi đâu, làm gì thì tùy. Lee hi vọng đội ngũ hạt giống này có thể trở về với hiểu biết và kinh nghiệm sâu sắc về thị trường bản địa mà họ tới "nằm vùng". Sau khi trở về từ nước ngoài, đội ngũ hạt giống này sẽ trở thành chủ lực cho chính sách "tập đoàn toàn cầu, thấu hiểu địa phương" của Samsung. Trong 5 năm từ 1994 đến 1999 chỉ riêng chương trình gieo giống của Samsung ước tính đốt hết 100 triệu USD để đào tạo 2000 hạt nhân chủ chốt cho kế hoạch đánh chiếm thị trường thế giới của mình.

Đến tận bây giờ Trung tâm phát triển nhân lực của Samsung đóng ở Hàn Quốc vẫn tiếp nhận khoảng 50 ngàn học viên mỗi năm. Công cuộc "luyện quân" của Samsung kéo dài suốt hơn 20 năm đến bây giờ vẫn không hề có dấu hiệu "lão suy".

Chích sách đổi giờ làm từ 7 đến 4 và con số 5% của Samsung

Để hiểu hơn về câu chuyện này, hãy quay trở lại 1 chút vào thời điểm cuối những năm 1960 khi Lee Byung-Chul người sáng lập Samsung, cha của Lee Kun Hee tìm kiếm người kế vị mình trong số 3 người con trai. Người Hàn Quốc vốn rất kiêng kỵ việc "phế trưởng lập thứ" thấy bị sốc khi Byung-Chul sa thải 2 người con trai lớn đang làm việc tại Samsung để đảm bảo Lee Kun Hee có thể danh chính ngôn thuận bước lên ngai vàng mà không sợ bị 2 anh tranh giành quyền lực sau khi cha mất. Là con trai út, Lee Kun Hee sở hữu 1 tính cách khá trầm lặng nhưng lại vô cùng quyết liệt.

Có lẽ chính vì sự quyết liệt ấy mà khi Lee Kun Hee tuyên bố mình sẽ đổi giờ làm việc của Samsung sang khung 7 h sáng đến 4h chiều, không 1 ai trong số hơn 50 ngàn nhân viên của Samsung năm 1993 dám cãi lời chủ tịch. Trong khi giờ làm việc của người Hàn Quốc bắt đầu lúc 9h sáng và kết thúc lúc 6h chiều, Lee Kun Hee yêu cầu tất cả nhân viên của mình rời nhiệm sở lúc 4h chiều để giành thời gian cho các hoạt động xã hội cũng như tham gia những khóa đào tạo ngoài giờ của tập đoàn. Sau 4h chiều, Lee Kun Hee thường tự mình gọi điện đến các bộ phận của Samsung một cách ngẫu nhiên, bất kỳ ai trả lời điện thoại sau 4h chiều đều bị quở mắng thậm tệ.

Cũng có lẽ vì tính cách quyết liệt đó, khi Lee ra quyết định đưa ra các chính sách đào tạo của mình, ông đã dự tính sẵn "5-10% nhân sự không thể thay đổi sẽ phải ra đi, 25-30% thấy sự thay đổi khó khăn sẽ được giao ít trách nhiệm hơn (giáng chức), chỉ 5-10% quản lý "cải tạo tốt" mới trở thành hạt nhân của chế độ mới". Kết quả là trong suốt những năm cuối thập niên 90, không 1 công ty nào trên thế giới có tốc độ thay đổi nhân sự ở các vị trí lãnh đạo cao cấp nhanh như Samsung.

Dù cha của Lee có chọn con út làm người kế vị vì tính cách quyết liệt của ông hay không thì chúng ta cũng phải thừa nhận 1 điều rằng đây là sự lựa chọn hoàn toàn đúng đắn. Doanh số của Samsung đã tăng trưởng 51 lần từ khi Lee lên nắm quyền năm 1987.

Chủ tịch Lee Kun Hee của Samsung châm lửa thiêu rụi tàn dư cũ và ảo vọng mới

Năm 1988, Samsung sản xuất ra mẫu điện thoại đầu tiên của mình: SH-100. Sau gần 20 năm bị Nokia "đè đầu cưỡi cổ", Samsung giờ đây đã là tân vương của làng sản xuất điện thoại toàn cầu với các sản phẩm smartphone thuộc dòng Galaxy S và Galaxy Note được đón nhận nồng nhiệt.

Năm 1991, Samsung bắt đầu sản xuất tấm nền LCD để bán cho các đối tác. Năm 2013, ti vi LCD thương hiệu Samsung đang là bá chủ thị trường.

Năm 1994, Samsung bắt đầu sản xuất chip nhớ flash. Năm 2013, sản lượng chip nhớ flash và DRAM của Samsung gần bằng tất cả các hãng còn lại cộng vào.

Tháp Petronas ở Malaisia, tháp Taipei 101 Đài Loan, tòa nhà Burj Khalifa tại Dubai, 3 trong số 10 công trình cao và ấn tượng nhất thế giới đều có chung 1 nhà thầu chính: Samsung.

Tất cả những thành công ấy không đến trong ngày 1 ngày 2 sau "Tuyên ngôn Frankfurt". Ngay cả khi đã áp dụng những biện pháp huấn luyện cực kỳ quyết liệt, Samsung vẫn chưa thể thực sự loại bỏ toàn bộ "tàn dư" của lối làm việc cũ.

Tháng 11/1993, khi Samsung cho ra đời mẫu SH-700, Lee Kun Hee đã rất tự hào đem một số máy đi làm quà tặng năm mới. Khi Lee biết rằng 1 số máy mình tặng bị hỏng khi vừa ra khỏi hộp, ông yêu cầu nhân viên dưới quyền tập trung tất cả 150 ngàn máy SH-700 trong kho thành 1 đống, triệu tập hơn 2000 nhân viên Samsung đến và đốt tất cả đống sản phẩm lỗi. Khi lửa tắt, máy ủi được điều đến cày xới tan nát phần còn lại. "Nếu các anh tiếp tục làm ra những sản phẩm chất lượng kém, tôi sẽ quay lại và làm y như vừa nãy".



Chiếc điện thoại Samsung SH-700 là một bước ngoặt lịch sử đáng nhớ của hãng này.

Tháng 5/2012, 3 tuần trước khi Galaxy S3 lên kệ, có người phàn nàn rằng chất lượng lớp sơn ở sản phẩm sắp bán không đẹp được như sản phẩm mẫu. Sau khi điều tra rằng lời phàn nàn này là đúng sự thực "phần vân xước không được mịn như hàng mẫu", 100 ngàn ốp lưng Galaxy S3 đang ở trong kho và cả hàng chờ xuất ở sân bay bị lôi ra tiêu hủy và thay thế.

Học được gì từ con đường Samsung đã và đang đi?

Ngỡ ngàng không nói nên lời là những gì mà tôi cảm nhận được sau khi biết đến ba câu chuyện ở trên mang tính bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển của hãng Samsung, những quyết sách táo bạo cần sự can đảm vô cùng lớn lẫn ý chí kiên định để đi đến cùng, điều đáng nói là quyết tâm thay đổi tư duy, làm mới cách nhìn của toàn thể nhân lực, đây là cái khó nhất gần như không thể thực hiện được, với những ai từng đứng ở cương vị quản lý con người sẽ hiểu và cảm nhận được độ khó của điều này khủng khiếp đến chừng nào.

Từ vị trí là một hãng điện tử hạng ba trong giới công nghệ quốc tế, đứng sau nhiều tên tuổi le lói một thời như Motorola, Nokia, Blackberry, giờ đây Samsung đã dần trở thành một tên tuổi vĩ đại của thế giới công nghệ, bước đi đầy tự tin và vững chắc trên con đường trở thành ông hoàng smartphone khi đang so kè song song với Apple trong cuộc cạnh tranh vị trí cao nhất. Học được gì từ Samsung, áp dụng được bao nhiêu và thành công hay không thì phải hỏi mỗi người chúng ta sẽ làm như thế nào, nhưng quyết tâm, sự phấn đấu không ngừng nghỉ cộng thêm sự lựa chọn một con đường đúng đắn cho riêng mình sẽ luôn là điều tiên quyết.

Thanh Thái

Bài đăng phổ biến từ blog này

Số người thích đeo nhẫn vàng 24k nữ 1 chỉ nhiều hay ít?

Giá nhẫn kim tiền vàng 18K năm 2021 hiện nay là bao nhiêu?

Nên nghe nhạc thiền tịnh tâm gồm những ai?