Chút tia sáng cho câu chuyện nhà báo Mỹ bị bắt cóc
Vừa qua, nhà báo Peter Theo Curtis của Mỹ vốn bị bắt làm con tin bấy lâu nay đã được Al-Qaeda thả về nước, đây là điều khá bất ngờ và là chút tia sáng cho câu chuyện nhà báo Mỹ vốn ảm đạm mấy ngày nay.
Thế giới nói chung và giới phóng viên Mỹ nói riêng vẫn chưa hết bàng hoàng trước vụ hành quyết phóng viên James Foley một cách man rợ, sự việc không chỉ làm quốc tế căm phẫn mà còn phủ lên giới báo chí Mỹ một màu đen chết chóc, nhất là với những phóng viên nhà báo nào đang tác nghiệp tại vùng Trung Đông hoặc tệ hơn là vẫn đang còn bị giam giữ bởi bọn bắt cóc. Sự trở về của nhà báo Mỹ Peter Theo Curtis thật sự khiến không ít người mừng rỡ và thở nhẹ ra một chút.Đưa tin đáng mừng này chi tiết hơn thì trên trang vnexpress.net đã có bài Nhà báo được Al-Qaeda thả về đến Mỹ với nội dung như sau:
Peter Theo Curtis, nhà báo mới được Al-Qaeda thả cuối tuần qua, vừa về đến sân bay quốc tế tại Boston, Mỹ, trong niềm vui tột bậc của cả gia đình.
Curtis và mẹ vui mừng gặp lại nhau sau hai năm xa cách. Ảnh: ABC News
"Tôi quá xúc động và bối rối, không lời nào tả xiết, gửi tới những người đến với tôi hôm nay, những người lạ trên máy bay, các thành viên phi hành đoàn và hơn hết, gia đình tôi có mặt để nói lời chào mừng trở về nhà", USA Today dẫn lời Curtis nói.
Mẹ của nhà báo, bà Nancy Curtis, nói rằng bà bị choáng ngợp khi gặp lại con trai mình. Gia đình Curtis cũng gửi cảm ơn các quan chức chính phủ Mỹ và chính phủ Qatar đã nỗ lực để anh được giải cứu.
Curtis bị Mặt trận Nusra, chi nhánh chính thức của al-Qaeda ở Syria, bắt và giam giữ tại Syria từ năm 2012. Đây là đối thủ của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Phiến quân thả Curtis hôm 24/8 và chuyển ông tới các đại diện của Liên Hợp Quốc tại cao nguyên Golan.
Nhà báo 45 tuổi này viết cho tờ New Republic. Ông cũng từng xuất bản nhiều cuốn sách với bút danh Theo Padnos. Một năm trước khi bị bắt, Curtis viết cuốn sách mang tên "Đạo Hồi bí ẩn: Một chuyến đi tới Yemen". Ông có bằng tiến sĩ về văn học của đại học Massachusetts, thông thạo tiếng Arab và tiếng Pháp. Curtis đến Syria vào năm 2012 với hy vọng cho ra đời được những câu chuyện hay nhằm giúp đỡ người dân Syria.
Việc Curtis được thả thu hút sự chú ý của dư luận sau khi phiến quân thuộc IS ở Syria công bố đoạn video hành quyết nhà báo Mỹ James Foley hôm 19/8. Phiến quân Hồi giáo cũng đe dọa số phận của Steven Joel Sotloff, một phóng viên ảnh cùng bị giam với Foley, phụ thuộc vào các hành động tiếp theo của Mỹ đối với Nhà nước Hồi giáo.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết ông cảm thấy nhẹ nhõm vì Curtis được thả. "Cả nước Mỹ sẽ tiếp tục cầu nguyện cho những người còn bị phiến quân giam giữ và Mỹ cũng sẽ dùng tất cả các biện pháp để các con tin còn lại được tự do", phát ngôn viên Nhà Trắng Eric Schultz cho biết.
Ủy ban Bảo vệ Nhà báo ước tính có khoảng 20 nhà báo đang mất tích ở Syria, trong đó nhiều người được cho là nằm trong tay của IS.
Đọc xong bài báo trên, tôi cũng chưa rõ lắm lý do cụ thể mà nhà báo này được Al-Qaeda trả tự do, nhưng cũng rất mừng cho ông và gia đình. Tuy nhiên còn khá nhiều người trong báo giới vẫn đang bị bắt giữ hoặc nguy cơ bị bắt cóc tại Trung Đông, tín mạng của họ thật đáng lo ngại, cầu mong mọi chuyện tốt đẹp và bình an sẽ đến với những con người vì mọi người.
Thanh Thái