VEC và 5 tuyến cao tốc thuộc hàng 'siêu dự án'
Theo báo giới đưa tin thì Tổng công ty Đường cao tốc (VEC) đang lên kế hoạch bán và khai thác trên 5 tuyến cao tốc lớn thuộc hàng siêu dự án có mức đầu tư lên đến gần 6 tỷ USD.
5 tuyến cao tốc đang được nói đến ở đây là Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Đà Nẵng – Quảng Ngãi và Bến Lức – Long Thành. Những tuyến đường này đều thuộc diện trọng điểm quốc gia và để hoàn thành thì chi phí cần bồi vào liên tục với ngưỡng cực cao.
Chưa rõ tương lai sẽ khai thác ra sao nhưng hiện nay tình hình đang chuyển hướng tái cơ cấu và sự giao quyền thực thi có chút thay đổi, có thể biết rõ hơn thông qua bài VEC lên kế hoạch bán 5 tuyến cao tốc tỷ USD được VnExpress đăng tải với nội dung như sau:
Tổng công ty Đường cao tốc (VEC) đang lên phương án cổ phần hóa, song song với việc thành lập các Công ty cổ phần Dự án để chuyển nhượng 5 tuyến cao tốc có tổng mức đầu tư gần 6 tỷ USD.
Kế hoạch nêu trên được VEC chính thức công bố ngày 27/10, sau chỉ đạo mới đây của Bộ Giao thông, cũng như yêu cầu từ cuối năm ngoái của Thủ tướng về việc tái cơ cấu nguồn vốn cho 5 dự án cao tốc. Bản kế hoạch cũng được đưa ra trong bối cảnh một dự án cao tốc tỷ USD khác là Hà Nội - Hải Phòng sắp sửa được chủ đầu tư là Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (Vidifi) bán cho đối tác ngoại.
Theo VEC, sau năm 2018, toàn bộ 5 tuyến cao tốc gồm Cầu Giẽ - Ninh Bình; Nội Bài – Lào Cai, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Đà Nẵng – Quảng Ngãi và Bến Lức – Long Thành sẽ được đưa vào khai thác.
Với tổng tổng mức đầu tư của 5 dự án (tổng cộng 540km) lên đến 125.572 tỷ đồng (gần 6 tỷ USD, trong đó vốn ngân sách đầu tư trực tiếp 71.555 tỷ đồng, tương đương 57%, tự huy động 54.000 tỷ đồng), VEC thừa nhận nếu không tái cơ cấu, đây sẽ là áp lực lớn trong huy động vốn cho các dự án tiếp theo. Dẫu vậy, việc nhượng quyền các "siêu dự án" này là một chủ trương mới, chưa từng có tiền lệ nên không thể làm một sớm một chiều.
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai - 1 trong 5 tuyến đường VEC đầu tư
Bên cạnh đó, do các dự án đều thuộc hệ thống đường bộ cao tốc quốc gia, nên việc cổ phần hóa hoặc chuyển nhượng, bán quyền thu phí sẽ gặp nhiều khó khăn về cơ chế chính sách cũng như tính pháp lý. Do vậy, doanh nghiệp trước mắt sẽ cùng Bộ Giao thông vận tải rà soát cơ sở pháp lý, tiến hành thăm dò nhu cầu thị trường; tính toán các phương án hợp lý nhất để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia, phù hợp với các quy định của pháp luật và nhu cầu huy động của Tổng công ty.
VEC cũng hé lộ cùng với việc nghiên cứu phương án chuyển nhượng quyền thu phí để kêu gọi đầu tư, một trong những phương án đã được tính đến là cổ phần hóa Tổng công ty song song với việc thành lập các Công ty cổ phần Dự án.
Trong số 5 dự án nói trên đã có 3 công trình đã đi vào khai thác, gồm Cầu Giẽ - Ninh Bình; Nội Bài – Lào Cai và một phần tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây với tổng chiều dài 320 km. Từ giữa năm 2012 tới nay, 3 tuyến này đã phục vụ hơn 22 triệu lượt xe cơ giới (bình quân mỗi ngày khoảng 40.000 lượt xe) với tốc độ tăng trưởng lưu lượng sát với dự báo, giúp Tổng công ty có dòng doanh thu từ phí ổn định, phục vụ công tác bảo trì; trả lãi và nợ gốc đúng như cam kết.
Dự kiến phần còn lại của tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây sẽ khai thác cuối năm nay, trong khi vào năm 2017 cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi cũng đưa vào sử dụng, còn tuyến Bến Lức – Long Thành dự kiến hoàn thành một năm sau đó.
Qua nội dung bài báo thì chúng ta cũng có thể biết các dự án lớn này được giao cho nhà thầu nước ngoài đầu tư xây dựng và hiển nhiên thu phí về sau cũng do họ có quyền quyết định, vì thế nhiều ý kiến khác nhau từ phía bạn đọc nói về điều này như lo ngại nhà thầu sẽ tăng mức phí thu và người dân sẽ chịu thiệt, vài ý kiến lại rất hoan nghênh kế hoạch này của VEC.
Thanh Thái