Hơn 600 mũi tiêm kích thích tố vào đầu để cứu mái tóc
Một nam người mẫu đã chấp nhận tiêm hơm 600 mũi kích thích tố vào đầu để cứu lấy mái tóc bồng bềnh thuở xưa.
Chứng rụng tóc dù không ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất nhưng khiến ai cũng dễ bị mất tự tin, giảm chất lượng cuộc sống, đôi khi ảnh hưởng nhiều đến công việc và hành phúc bản thân. Vì vậy, một nam người mẫu ở Nam Phi đã không tiếc tiền bạc, thời gian, đau đớn để trải qua quá trình tiêm hơn 600 mũi tiêm chất kích thích tố để khiến tóc mọc trở lại.
Cụ thể về câu chuyện, chúng ta có thể đọc qua bài "Nam người mẫu tiêm 600 mũi vào đầu để cứu mái tóc rụng" đăng trên VnExpress như sau:
Justin Hopwood 28 tuổi (Nam Phi) bị rụng tóc nên đã tiêm hơn 600 mũi kích thích tố trên da đầu để mong tóc mọc trở lại.
Justin Hopwood đầu quân làm người mẫu cho hãng thời trang Ralph Lauren từ năm 2010 đến năm 2016. Song, chàng trai trẻ buộc phải nghỉ việc chỉ vì mái tóc bị rụng không kiểm soát. "Mất tóc là mất thu nhập", nam người mẫu cho biết.
Hopwood không rõ nguyên nhân khiến mình bị rụng tóc nhưng nghi ngờ môi trường và áp lực công việc là hai yếu tố ảnh hưởng nhất. Theo nam người mẫu, các bác sĩ nói rằng có một loại bệnh tự miễn cũng là thủ phạm tấn công các nang lông, ngăn chặn sự phát triển của chúng làm rụng tóc nhanh. Chứng rụng tóc ảnh hưởng đến gần bảy triệu người Mỹ.
Hopwood từ bỏ nghề người mẫu vì bị rụng tóc. Ảnh: B.T
Chàng trai quyết định cắt trụi mái tóc của mình và nói rằng quyết định này rất khó khăn đối với anh. Cắt tóc sẽ khiến anh chấm dứt với nghề người mẫu, nhưng vì sức khỏe anh nhất thiết phải cắt.
Hopwood tìm mọi cách để lấy lại mái tóc của mình. Anh loại bỏ các loại thuốc được kê toa trị chứng rụng tóc để sử dụng liệu trình tăng trưởng tóc được gọi là Nutrafol. Trong hai năm qua, chàng trai đã tiêm hơn 600 mũi tiêm kích thích tố vào mặt và đầu. Dù chưa lấy lại mái tóc bồng bềnh, dày dặn như xưa nhưng anh đã thấy có chút chuyển biến khi những sợi tóc con bắt đầu xuất hiện.
Hopwood điển trai khi chưa bị rụng tóc. Ảnh: S.L
Theo Webmd, rụng tóc ảnh hưởng đến cả nam giới, phụ nữ và trẻ em. Sự khởi phát thường đột ngột, ngẫu nhiên và thường xuyên tái phát. Bệnh không làm tổn hại đến sức khỏe thể chất nhưng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày.
Chứng rụng tóc ảnh hưởng đến khoảng 1,7% dân số. Khoảng 25% người bị ảnh hưởng có tiền sử gia đình về tình trạng này. Nguyên nhân chính xác của rụng tóc không được biết, mặc dù các chuyên gia nói rằng nó là một bệnh của hệ miễn dịch. Cũng nhiều ý kiến cho rằng, ngoài yếu tố di truyền thì căng thẳng cũng là thủ phạm gây rụng tóc.
Dù y học phát triển, công nghệ ngày càng tiên tiến nhưng chứng rụng tóc vẫn chưa được khai phá triệt để về nguyên nhân cũng như giải pháp hữu hiệu để trị dứt. Hầu hết những người bị rụng tóc, hói đều không thể lấy lại mái tóc đẹp và rậm rạp như ban đầu.
Thanh Thái