Tương lai smartphone thành ví thanh toán còn khá xa
Dựa theo tình hình hiện tại thì chuyện smartphone trở thành ví thanh toán trong tương lai còn khá xa vời.
Thật vậy, nhìn vào phản ứng của người dùng thì phải nói rằng chuyện smartphone thay thế được ví tiền là rất khó xảy ra hoặc chưa có căn cứ nào để nói rằng nó có thể thành hiện thực trong tương lai. Vậy lý do cản trở viễn cảnh này là gì? Liệu ta có giải quyết được chúng rồi đưa hiệu năng của smartphone lên một tầm mới? Quan trọng và tiện dụng hơn trong đời sống?
Để hiểu hơn về tình hình ấy, hẳn phải đọc bài "Lý do smartphone chưa thay thế được hoàn toàn ví tiền" đăng trên báo VnExpress như sau:
Điện thoại thông minh đã thay thế máy nghe nhạc MP3, máy ảnh compact, máy chơi game cầm tay nhưng vẫn chưa thay thế hoàn toàn được ví tiền.
Mặc dù các mẫu điện thoại Android và iPhone đời mới đều có thể tích hợp các ứng dụng thanh toán không chạm, nhưng đa phần người Mỹ vẫn chưa sử dụng.
Theo khảo sát của PYMNTS.com, chỉ có 21% những người sở hữu iPhone có dùng Apple Pay, 14% những người dùng điện thoại Samsung có Samsung Pay. Cùng với đó, chỉ 10% những người có thể dùng Android Pay trên điện thoại thông minh đã thực sự dùng tính năng này. Hầu hết trong số họ có dùng thử một lần và sau đó quay về với sử dụng thẻ hoặc tiền mặt.
“Có 3 yếu tố hiện đang hạn chế việc thanh toán qua di động, đó là giá trị mang lại, thiếu sự phổ biến và nỗi sợ. Thanh toán di dộng mang lại thêm giá trị gì cho tôi trong khi dùng thẻ tín dụng đã tốt rồi?”, Daniel Csoka - Giám đốc điều hành Mobile Money Matters đặt vấn đề.
Những người tham gia khảo sát của PYMNTS cũng cùng quan điểm. Lý do chính để không dùng thanh toán di động là do họ đã hài lòng với các phương thức thanh toán hiện tại. Các lý do tiếp theo là không hiểu rõ về cách thức hoạt động của dịch vụ và lo ngại về bảo mật.
Theo tạp chí điện tử Digital Trends (Mỹ), nếu ai đó từng dùng thanh toán không chạm bằng di động thì sẽ hiểu được vấn đề. Việc lấy thẻ ra thanh toán thường sẽ nhanh hơn việc lấy điện thoại ra, mở khóa thiết bị, mở ứng dụng, mở khóa bảo mật và tiến hành thanh toán. Đó là chưa kể còn phải tìm hiểu xem quầy thanh toán có hỗ trợ công nghệ thanh toán bằng điện thoại hay không.
Nhiều người Mỹ vẫn cảm thấy thanh toán di động chưa tiện bằng thanh toán thẻ.
“Thanh toán di dộng cần phải phổ biến ở mọi nơi, mọi lúc. Tôi dùng thẻ tiện hơn vì nơi nào cũng thanh toán được. Các công nghệ như NFC hay mã QR không chưa có mặt mọi nơi. Apple Pay lại không hợp tác gì với Android Pay hay các phương thức thanh toán khác. Cuối cùng, người bán phải chọn mình hỗ trợ cung cấp dịch vụ thanh toán di động nào”, ông Csoka nói.
Đi ra khỏi các thành phố lớn, người dùng sẽ gặp khó để thanh toán di động. Thậm chí, ngay các thành phố tại Mỹ, họ cũng chỉ thanh toán được ở các hệ thống bán lẻ lớn. Theo khảo sát của J.P. Morgan Chase, chỉ 36% các đơn vị bán chấp nhận thanh toán di dộng. Chỉ 41% người tiêu dùng được hỏi cho rằng thanh toán di động sẽ là phương thức thanh toán chủ yếu của bản thân trong 5 năm tới.
Bà Ben Colvin - Phó chủ tịch cao cấp về Giải pháp An ninh Mastercard khu vực Bắc Mỹ cho rằng, ngay cả khi công nghệ đã sẵn sàng thì cần có thêm những lý do để thuyết phục người dùng. “Mọi người đang hỏi liệu nó (thanh toán di động) có tốt hơn những gì đang có hay không? Nó có dễ dàng hơn, nhanh hơn hay an toàn hơn khi sử dụng?”, vị chuyên gia nêu.
Vấn đề bảo mật của thanh toán di động đang là câu chuyện thú vị. Một cuộc khảo sát của Mastercard cho biết 77% người Mỹ đang lo lắng về thông tin tài chính và số an sinh xã hội của họ bị đánh cắp hoặc xâm nhập. 55% nói rằng họ thà chấp nhận những bức ảnh khỏa thân của mình bị tung lên mạng còn hơn bị mất dữ liệu tài chính cá nhân.
Người dùng còn lo ngại chiếc điện thoại bị đánh cắp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thanh toán qua di động vẫn thực sự an toàn hơn thanh toán bằng thẻ. “Giống như khi thanh toán trực tuyến mới xuất hiện, không ai muốn nhập thông tin thẻ tín dụng lên mạng vì sợ tin tặc đánh cắp. Chúng ta nhận thấy sự lo lắng tương tự với thanh toán di động”, ông Csoka nhận định.
Apple Pay, Samsung Pay và Android Pay là các dịch vụ công nghệ truyền tải, cho phép thêm - bớt các thẻ tín dụng vào ứng dụng. Do đó, nếu có vấn đề phát sinh khi thanh toán, người dùng vẫn làm việc trực tiếp với nhà phát hành thẻ. Dễ hiểu hơn, lúc mất điện thoại thì người dùng có thể gọi ngân hàng để khóa thẻ. Đó là chưa kể điện thoại đời mới còn một lớp khóa bảo mật, tích hợp chức năng định vị, quét vân tay, mống mắt. Những thông tin này sẽ cung cấp có một giải pháp gọi là sinh trắc học hành vi.
Hồi tháng 3, Mastercard đã thâu tóm NuData, một công ty bảo mật chuyên về sinh trắc học hành vi, phân tích các tương tác trên ứng dụng điện thoại đi động để phân biệt người dùng thực với kẻ giả mạo nhằm gắn cảnh báo những giao dịch có nguy cơ cao.
Giải pháp này được cho là khó có đất sống cho tội phạm và làm tăng tính tiện lợi. Một ngày nào đó, người dùng vào cửa hàng lấy sản phẩm mình cần và đi ra. Tiền tự trừ trong tài khoản mà họ không cần cà, quẹt gì nữa nhờ hệ thống thông minh tự động làm việc với điện thoại.
Với cảm giác "ổn" khi đang dùng các phương thức hiện tại và vẫn chưa thể tin tưởng vào khả năng bảo mật tài chính trên smartphone như vừa trình bày trong nội dung trên thì khó mà nói được khi nào hoặc có thể nào smartphone kiêm luôn chức năng ví điện tử hay không?
Thanh Thái